Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất gồm các nội dung cơ bản quy định tại khoản 3 Điều 36 Luật Hóa chất 2007, cụ thể như sau:
- Xác định, khoanh vùng và lập kế hoạch kiểm tra thường xuyên các điểm có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất cao;
- Các biện pháp, trang thiết bị và lực lượng ứng phó tại chỗ;
- Phương án phối hợp với các lực lượng bên ngoài để ứng phó sự cố hóa chất.
Tổ chức, cá nhân xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP
(Khoản 2 Điều 21 Nghị định 113/2017/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 82/2022/NĐ-CP)
1) Các đối tượng phải xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
Cụ thể tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, các đối tượng phải xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất bao gồm:
- Chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, cất giữ và sử dụng hóa chất trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 113/2017/NĐ-CP phải xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trước khi dự án chính thức đưa vào hoạt động;
- Chủ đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh, cất giữ và sử dụng hóa chất có ít nhất 01 hóa chất thuộc Phụ lục IV kèm theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP với khối lượng tồn trữ lớn nhất tại một thời điểm lớn hơn Hoặc bằng ngưỡng khối lượng quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đối với tất cả các hóa chất nguy hiểm mà dự án có hoạt động và trình bộ quản lý ngành, lĩnh vực thẩm định, phê duyệt trước khi chính thức đưa dự án vào hoạt động.
- Chủ đầu tư ra quyết định ban hành biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất
và xuất trình các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.
2) Trách nhiệm thực hiện biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của tổ chức, cá nhân
Trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, cá nhân, tổ chức phải các trách nhiệm sau đây:
- Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ hóa chất, tổ chức, cá nhân phải bảo đảm đúng các nội dung đề ra tại Biện pháp đã được xây dựng;
- Biện pháp phải được lưu giữ tại cơ sở hóa chất và là căn cứ để tổ chức, cá nhân thực hiện công tác kiểm soát an toàn tại cơ sở hóa chất;
- Trường hợp có sự thay đổi trong quá trình đầu tư và hoạt động liên quan đến những nội dung đề ra trong Biện pháp, tổ chức, cá nhân phải bổ sung, chỉnh sửa Biện pháp.
- Hàng năm các cơ sở hóa chất phải tổ chức diễn tập phương án ứng phó sự cố hóa chất đã được xây dựng trong Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất với sự chứng kiến
Hoặc chỉ đạo của đại diện cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương trong trường hợp cơ sở hóa chất có tồn trữ hóa chất thuộc Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhưng dưới ngưỡng quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP.
(Khoản 3 Điều 21 Nghị định 113/2017/NĐ-CP (bổ sung tại Nghị định 82/2022/NĐ-CP)
3) Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hóa chất
Theo Điều 7 Luật Hóa chất 2007, cá nhân, tổ chức bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây trong hoạt động hóa chất:
- Sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, cất giữ, sử dụng, gửi, cho, tặng hóa chất nguy hiểm trái quy định Luật Hóa chất 2007 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Không công bố thông tin cần thiết, cung cấp thông tin không đầy đủ, thông tin sai lệch, che giấu thông tin về đặc tính nguy hiểm của hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm.
- Sử dụng hóa chất không thuộc danh mục được phép sử dụng, hóa chất không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, vượt quá hàm lượng cho phép để sản xuất và bảo quản thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, sản phẩm hóa chất tiêu dùng.
- Sử dụng hóa chất độc để săn bắt động vật, thực hiện các hành vi xâm hại đến sức khoẻ con người, tài sản và môi trường.